

“Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” - Đó là chủ đề hướng tới kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Tháng Hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021.
Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững.
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình năm 2021, kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CBCCVC và người lao động tại BVĐN quan tâm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình, BVĐN tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em; phụng dưỡng người cao tuổi trong gia đình và phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình viên chức và người lao động làm việc tại đơn vị. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trong nhân dân, viên chức và người lao động làm việc tại đơn vị. Tuyên truyền, vận động các gia đình CBCCVC, người lao động tổ chức và duy trì “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.
Các thông điệp truyền thông về Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021 gồm: “Ngăn ngừa các hành vi bạo lực gia đình để xây dựng xã hội hạnh phúc”, “Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”.
Các thông điệp truyền thông kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28/6 gồm: “Gia đình là trường học đầu tiên để hình thành nhân cách của mỗi người”, “Gia đình là tế bào của xã hội, thành trì của Tổ quốc”.
Xã hội ngày càng phát triển đã tác động mạnh đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn… ngày càng gia tăng. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng xa cách khi phải bận rộn với cuộc sống mưu sinh. Những bữa cơm chung với gia đình ít dần; mối liên kết giữa ông bà, bố mẹ, con cháu, anh em trong gia đình, dòng tộc ngày càng lỏng lẻo, ảnh hưởng tới không khí đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc trong gia đình.
Vì thế, để gia đình thực sự trở thành bến đỗ bình yên, hạnh phúc, các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống Việt Nam, duy trì bữa cơm gia đình. Đồng thời, phải dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, yêu thương, chia sẻ, tôn trọng và bình đẳng, gìn giữ và vun đắp cho tổ ấm gia đình.
Gia đình bình an, hạnh phúc sẽ là nền tảng, môi trường lành mạnh để ngăn chặn các tệ nạn xã hội, tạo điều kiện tốt cho sự phát triển toàn diện của mỗi người nói riêng và xã hội nói chung...