hotline-icon
Đường dây nóng bệnh viện 0965231818
hotline-icon
Tổng đài chăm sóc khách hàng 1900575734

Cách phòng bệnh whitmore mùa mưa lũ

Thứ Hai, 30-11-2020 6:00

Sau các đợt bão lũ kéo dài từ đầu tháng 10, nhiều tỉnh miền Trung đã ghi nhận số ca mắc bệnh Whitmore tăng cao. Riêng tại bệnh viện Đà Nẵng, từ đầu năm đến hết tháng 9, chỉ ghi nhận 4 ca mắc. Nhưng từ 1/10 đến 26/11 đã có 29 ca mắc (chủ yếu đến từ Quảng Nam, một số ở Nghệ An, Quảng Ngãi và Đà Nẵng). Trước thông tin hoang mang của người dân về căn bệnh Whitmore là “vi khuẩn ăn thịt người”, BS CKII Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Đà Nẵng đã có những chia sẻ về bệnh lý này:

1. BỆNH WHITMORE KHÔNG PHẢI LÀ VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI:

Bệnh Whitmore (Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Bệnh gây áp xe, hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da chứ KHÔNG PHẢI LÀ VI KHUẨN ĂN THỊT NGƯỜI như người dân vẫn hay đồn đoán.

Bệnh rất ít gặp, KHÔNG BÙNG PHÁT THÀNH DỊCH, KHÔNG LÂY TRỰC TIẾP TỪ NGƯỜI SANG NGƯỜI, tuy nhiên bệnh cảnh thường tiến triển rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt với những người đang mắc bệnh mạn tính.

Người và động vật có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn, do hít phải các hạt nước hoặc bụi li ti có nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước có vi khuẩn. Nguy cơ gây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với vết xây xước nhỏ ngoài da.

Bệnh nhân Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng

2. TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH WHITMORE

Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh Whitmore đa dạng phức tạp như sốt: sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, thường chẩn đoán nhầm với bệnh khác như: bệnh viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, bệnh nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...

Hình ảnh bệnh nhân mắc bệnh Whitmore

Bệnh thường gặp vào mùa mưa, tập trung tháng 7 - 11 hàng năm. Thời gian ủ bệnh thường 1 - 21 ngày, trung bình là 9 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng nhiễm trùng. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và ung thư có nguy cơ tử vong cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.

3. CÁCH PHÒNG TRÁNH BỆNH WHITMORE:

HIỆN CHƯA CÓ VẮC-XIN PHÒNG BỆNH WHITMORE. Do đó, để phòng bệnh Whitmore, người dân cần chủ động thực hiện:

  • Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất, nước, bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng;
  • Trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn;
  • Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải sử dụng băng chống thấm, găng tay cao su, ủng cao su… và cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch sẽ trước và ngay sau khi tiếp xúc;
  • Những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch ... cần được điều trị ổn
  • định, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn;
  • Nhân viên y tế nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa qua đường tiếp xúc (mặt nạ, găng tay và áo choàng) để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Đặc biệt, mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho bệnh Whitmore phát triển, do đó người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh và nhân viên y tế cần cảnh giác để chẩn đoán đúng, điều trị bệnh kịp thời.
  • Nếu nghi ngờ mắc phải các triệu chứng của bệnh Whitmore, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh và điều trị kịp thời.